Logistics xanh được định nghĩa là mọi chiến lược, cách tiếp cận và quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm mức năng lượng và các tác động môi trường của việc phân phối hàng hóa, trong đó tập trung vào chiến lược quản lý chất thải, xử lý các vật liệu, đóng gói và vận chuyển. Mục đích của logistics xanh là phát triển và duy trì môi trường không khí sạch bằng việc cân bằng cách sử dụng năng lượng.
Logistics xanh là gì?
Hiện nay, các hoạt động sản xuất, khai thác và phát triển của các doanh nghiệp tuy có vai trò rất lớn trong tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây nên những tác động tiêu cực tới môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng từ các khu công nghiệp đến đô thị, các địa bàn đông dân cư.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Phát triển bền vững (Sustainable Development) là chiến lược phát triển nước ta đề ra và đang thực hiện trong thế kỉ XXI. Đương nhiên, xu hướng phát triển bền vững Logistics xanh chính là xu hướng tất yếu và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành.
Trong Logistics, khí thải carbon và ô nhiễm môi trường có nguyên nhân chính là vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Việc triển khai Logistics xanh trong các doanh nghiệp có thể mang lại hiệu quả vượt trội gồm tăng cường hiệu quả Logistics, giảm phát thải nhiên liệu, giảm ô nhiễm, tăng cường tuân thủ luật môi trường và giảm tính không bền vững qua điều chỉnh mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên để sản xuất các loại hàng hóa và cung cấp dịch vụ.
Vì sao logistics xanh là xu hướng hiện nay?
Lợi ích của logistics xanh là quá trình tăng hiệu quả việc quản lý sản phẩm từ nhà sản xuất cho đến khách hàng, giảm thiểu chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng và ngăn ngừa gây hại đến môi trường.
Quá trình mua hàng tạo điều kiện diễn ra các cải tiến thương mại như kết nối công nghệ thông tin trong từng quy trình kinh doanh khác nhau.
Do lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường bộ rất lớn nên việc phủ xanh trong các dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ làm giảm thiểu sự dư thừa của chuỗi cung ứng.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang phát triển theo từng ngày. Thương mại nội địa càng được mở rộng, nhu cầu logistics càng tăng cho nên sự phát triển của logistics xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cắt giảm thuế.
Tuy nhiên, các công ty logistics ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc xây dựng và áp dụng logistics xanh là tương đối mới và gặp nhiều khó khăn.
Ứng dụng logistics xanh trong thực tế
Theo các chuyên gia, Logistics xanh có thể được ứng dụng rộng rãi trong các công ty thông qua các quy trình mua hàng, quy trình sản xuất, quản lý kho, quản lý vận tải và EMS.
Quy trình mua hàng: Gồm cải tiến các cơ sở thương mại bằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong giao thương với doanh nghiệp (B2B), sử dụng thương mại điện tử hoặc internet - giảm giấy tờ và tài liệu. Chấp nhận mua hàng bền vững giúp các công ty giảm lãng phí, tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng danh tiếng cho thương hiệu của công ty.
Quy trình sản xuất: Các công ty cần đào tạo cho nhân viên Logistics để cung cấp kiến thức về tiết kiệm năng lượng. Chất lượng sản xuất phải giữ nguyên; chất thải sản xuất nên giảm xuống trong khi làm sản xuất hàng hóa; nước nên được tái sử dụng càng nhiều càng tốt và khí độc hại phải được cắt giảm tối đa.
Quy trình quản lý kho: Gồm các hoạt động như chuyển sản phẩm vào kho, đóng gói tái chế và vận chuyển hàng hóa trong kho. Các công ty cần giảm sử dụng xe nâng và giảm xử lý kép để tối ưu năng lượng và nhiên liệu.
Quy trình vận chuyển: Quá trình phân phối bao gồm nhiều phương thức: vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường hàng không hoặc giao thông đường thủy. Các công ty có thể chọn phương tiện có độ thân thiện với môi trường cao như đường sắt hoặc ít sử dụng các loại phương tiện giao thông đường bộ để phân phối hàng hóa.